I – Mục tiêu
Mục tiêu của việc luyện tập hơi thở trong khí công là có một hơi thở sâu – đều – chậm có tính điều hòa; và càng sâu, càng đều, càng chậm thì càng tốt.
Lý do quan trọng nhất của hơi thở sâu – đều – chậm là làm chậm nhịp sinh học trong cơ thể, giúp kéo dài tuổi thọ. Nhịp sinh học được đo bằng đơn vị SÁT NA, tương đương với 1 giây hoặc 1 nhịp tim ở người khỏe mạnh. Thời lượng cuộc sống sinh học của con người tính trên số lượng giới hạn SÁT NA. Luyện tập hơi thở sâu, đều, chậm giúp kéo dài đơn vị SÁT NA, từ đó kéo dài tuổi thọ.
Hơi thở điều hòa tạo ra điều kiện căn bản giúp tinh thần minh mẫn, đưa con người vào trạng thái ổn định. Hơi thở điều hòa, nhịp tim ổn định, và tinh thần sáng suốt là ba tiêu chuẩn của một cơ thể khỏe mạnh, và hơi thở điều hòa là yếu tố nền tảng.
Kiểm soát và có một hơi thở sâu, đều, chậm – điều hòa là nền tảng của Khí công và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định Khí trong cơ thể, xa hơn là hỗ trợ kiếm soát các vấn đề về thần kinh tinh thần, giảm các hiện tượng stress, căng thẳng, nóng giận, lo lắng, mất ngủ…. là những vấn đề đang dần trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay.
II – Phương pháp tập
Trong quá trình luyện tập Khí công dưỡng sinh, yêu cầu quan trọng là đưa nhịp thở về trạng thái điều hòa tự nhiên nhưng chậm, sâu, và đều. Khi nhịp thở kéo dài, nhịp sinh học cũng dài ra, giúp kéo dài tuổi thọ, giảm quá trình lão hóa, và cải thiện khả năng phục hồi.
- Phương pháp thở chậm như rùa (phép quy tức) được đưa ra làm cơ sở lý luận vì sự thở chậm rãi giúp con rùa sống lâu (300-400 năm).
- Luyện tập hơi thở cần tự nhiên, không cố gắng quá sức, và chỉ thở bằng mũi – như Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Miệng ngậm để tồn Khí”.
- Trong quá trình thở, đôi khi có thể cố thêm 1 chút, vượt giới hạn nhẹ nhàng từ 1-5 giây tăng dần giới hạn, cải thiện hơi thở, nhưng không được ép buộc cơ thể quá mức, tránh rối loạn nhịp thở và nhịp tim, dẫn tới biến loạn về Khí.
Việc thở được xem là nền tảng quan trọng trong Khí công nói riêng và các phương pháp tập luyện có tính dưỡng sinh nói chung. Vì vậy nên có ý niệm kiên trì duy trì tập luyện hơi thở đều đặn, thường xuyên để có nền tảng tốt, dễ dàng tiến xa hơn trong các bước tiếp theo, giúp cân bằng thể chất và tinh thần.
III – Cách thức (con đường)
Nhắc lại
- Có thể tập thở mọi lúc mọi nơi. Ban đầu lựa chọn tư thế thoải mái phù hợp với hơi thở của mình
- Có ý niệm về tác dụng của thở sâu đều chậm điều hòa cho sức khỏe và tâm trí.
- Thời điểm thở tốt nhất vào thời điểm cần tư duy suy nghĩ, hoặc cần thư giãn nghỉ ngơi.