I. Vinh khí và Vệ khí.
1. Vinh khí
Là khái niệm chung chỉ Khí vận hành ở kinh mạch bên trong cơ thể, thành phần bao gồm cả Chân khí và Ngũ khí, cả sự liên hợp giữa Chân khí và Ngũ khí.
2. Vệ khí
Là khái niệm chung chỉ Khí vận hành ra lạc mạch và tôn lạc thoát ra ngoài da (để phát dương khai khiếu bảo vệ cơ thể), có thành phần tương tự như Vinh khí. Vinh vệ là chỉ sự hoạt động chung, hòa hợp của Chân khí và Ngũ khí ở trong Lý và ngoài Biểu.
II. Huyệt đạo và nhâm-đốc mạch
Không gì tốt hơn dùng năng lượng của con người để chữa bệnh cho con người, vì tính đồng mức sinh học cao của nó. Không như việc truyền điện (mà không phải dạng điện sinh học) hay việc đưa thuốc vào cơ thể con người, bất kỳ là thuốc Tây y hay Đông y, bởi vì những dạng đó hầu như không có tính đồng mức sinh học, loại này phù hợp nhưng loại khác lại không phù hợp, người này dùng thuốc khỏi nhưng người khác thì không.
Xác định của Tây Y rất chuẩn xác nhưng đến khi chuẩn xác rồi thì nhiều khi chẳng còn gì để nói nữa. Phát hiện chuẩn xác có cái cục ở trong gan rồi thì cũng không còn nhiều chuyện để làm nữa. Vì vậy, cần phải có một phương pháp cảm nhận và dự báo các vấn đề cơ thể sớm hơn, chứ không thể để cả cuộc đời là một sự rượt đuổi của bệnh tật mà chúng ta luôn ở trong trạng thái bị động.
Kể cả khi phải dùng thuốc Đông-Tây, nếu có sự kết hợp tác động của năng lượng sinh học (khí) tới vùng bệnh, cũng sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị lên rất nhiều (Thuốc có tác dụng chuyển hóa thực bệnh thành dạng trược khí, sau đó được đào thải qua các hoạt động năng lượng tự động trong cơ thể, đặc biệt là giấc ngủ sâu. Nếu biết vận hành thông xả khí bệnh này sớm, hoặc được người khác hỗ trợ thông xả trược khí này ra khỏi vùng bệnh chủ động, thì đẩy nhanh được hiệu quả của thuốc, và bệnh sẽ được xử lý nhanh hơn).
Do tính đồng mức sinh học cao như vậy nên Nhân khí có thể có tác động rất tốt hoặc rất xấu. Giống như con người sống trong một quần thể gồm đại đa số là những người tốt và có nhân tính, thì con người sẽ càng ngày càng tu tâm dưỡng tính và có sức khỏe tốt hơn. Ngược lại nếu sống trong một quần thể hỗn loạn thì con người không thể có điều kiện tu dưỡng tâm tính của mình, bệnh tật và hạn họa miên miên, vì vậy phải co vào vỏ bọc của mình hoặc tìm cách đi ở ẩn (Trạng thái hư tĩnh giúp con người thoải mái, xả bỏ trược khí bệnh tật tương tự một giấc ngủ sâu).
Tinh chất Tiên thiên đó trong điều kiện mà theo cổ nhân đã nói “Hạ Tâm hỏa, góp Tốn phong, gió vào trong bụng, Tinh vụt cháy thành Khí bay lên”. Tâm hỏa là năng lượng nhiệt của trái tim và màng bao tim khi hoạt động sinh ra, đưa xuống góp Tốn phong, tức là cùng với hơi thở của Phế cộng với bức xạ kích thích của ngoại khí tụ vào Đan-điền, tạo ra phản ứng kích chưng làm cho Đan-điền ấm nóng lên, đó là Chân khí đã được phát sinh và phát ra bức xạ Khí.
Khí mới sinh ra tại Đan-điền gọi là Hỗn nguyên khí, hay còn gọi là Chân khí hoặc Nguyên khí. (Nguyên khí là Khí chưa biểu hiện thuộc tính sinh học, tính năng của Nguyên khí còn đa dạng). Dù đa năng nhưng chưa có thuộc tính sinh học (hay thuộc tính ngũ hành) thì Khí vẫn không phù hợp. Chân khí muốn phù hợp phải phân Âm phân Dương ở hai mạch Nhâm Đốc, đó là hệ khí cơ bản. Khí sinh ra tại Đan-điền phân Âm theo mạch Nhâm đi xuống, phân Dương theo mạch Đốc đi lên. Mạch Nhâm đi ở giữa ngực từ huyệt Ngân giao xuống qua các huyệt Thiên đột, Đản trung, đến Khí hải và tới Hội âm.
Mạch Đốc đi ở giữa lưng (dưới da, sau cột sống) từ huyệt Trường-cường lên qua các huyệt Mệnh-môn, Linh-đài, tới Ngọc-chẩm, vòng lên Bách-hội, qua ấn-đường nối với mạch Nhâm tại huyệt Ngân giao.
Theo Y học Đông phương cổ truyền, Chân khí sau khi phân Âm Dương ở hai mạch Nhâm Đốc, thì theo các kinh mạch hoặc lạc mạch đến ngũ tạng kích thích phát sinh ngũ khí, có thuộc tính sinh học khác nhau (có thuộc tính theo ngũ hành). Các đường kinh mạch và lạc mạch nằm dưới da, và trên đó có các điểm hội tụ đặc biệt gọi là các huyệt. Các huyệt giao hội các đường kinh mạch gọi là đại huyệt, đó cũng chính là các luân xa.
1. Các huyệt đạo nằm trên mạch Nhâm
– Ngân-giao : huyệt vị tại điểm khi ngậm miệng đưa đầu lưỡi chạm chân răng hàm trên.
– Thừa-tương : huyệt vị tại giữa chỉ môi dưới.
– Thiên-đột : huyệt vị tại giữa bờ trên xương ức.
– Đản-trung : huyệt vị tại điểm giao nhau giữa đường dọc xương ức với đường ngang nối hai đầu vú.
– Khí-hải : huyệt vị tại đường dọc giữa bụng, cách rốn xuống dưới 1 thốn 5 phân. Đây là cửa vào của Đan-điền.
– Hội-âm : vị trí tại cuối mạch Nhâm. Đối với nam giới tại điểm giữa từ hậu môn đến chân dương nang. Đối với nữ giới tại điểm giữa từ hậu môn đến mép sau của âm hộ.
2. Các huyệt đạo nằm trên mạch Đốc
– Trường-cường : huyệt vị tại mỏm xương đốt sống cùng.
– Mệnh-môn : huyệt vị nằm ở sống lưng, đối xứng với huyệt Khí hải qua Đan-điền và trục Tý – Ngọ( ). Mệnh-môn là cửa ra của Đan-điền.
– Linh-đài : huyệt vị ở sống lưng, đối xứng với huyệt Đản trung qua trục Tý – Ngọ.
– Đại-chùy : huyệt vị nằm ở sống lưng, chỗ lõm ngay dưới mỏm gai sau đốt sống cổ số 7, đối xứng với huyệt Thiên đột qua trục Tý – Ngọ.
– Ngọc-chẩm : (còn gọi là huyệt Não bộ) huyệt vị ở sau gáy, trên đường dọc giữa đỉnh đầu từ chân tóc lên hai thốn, nơi tiếp giáp giữa xương sống và hộp sọ.
– Bách-hội : huyệt vị tại lõm chính giữa đỉnh đầu (chân tóc sau gáy lên 7 thốn), giao điểm của đường dọc chia đôi đỉnh đầu là đường nối hai đỉnh của vành tai.
– Ấn-đường : huyệt vị tại điểm chính giữa đường nối hai đầu trong của cung lông mày.
Ngoài ra còn các huyệt vị nằm ngoài hai mạch Nhâm Đốc là:
– Lao-cung : huyệt vị tại điểm giữa lòng bàn tay, chỗ giao nhau của đường văn thứ hai (giữa) với đường kéo dài kẽ hai ngón tay giữa và ngón tay đeo nhẫn. Trong lòng bàn tay là Nội Lao-cung, đối xứng với nó lên mu bàn tay là Ngoại Lao-cung.
– Dũng-tuyền : huyệt vị tại chỗ lõm gan bàn chân, ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đường nối đầu ngón 2 và gót chân.
Còn một bộ vị rất quan trọng nữa của Khí công, đó là trục Tý – Ngọ (còn gọi là trục Sinh-lực của cơ thể) nằm giữa cơ thể thẳng đứng từ huyệt Bách-hội qua Đan-điền xuống đến điểm giữa của Hội âm và Trường-cường.
Cổ nhân nói “Nhân hữu tiền tam cung, hậu tam quan“, có nghĩa là ở con người phía trước có ba cung và phía sau có ba quan:
– Nê hoàn cung lấy huyệt Ấn-đường làm trung tâm (còn gọi là Đan-điền Thần), là cung chủ Thần.
– Khí cung lấy huyệt Đản trung làm trung tâm (còn gọi là Đan-điền Khí), là nơi giao hòa của Tiên thiên khí và Hậu thiên khí.
– Đan cung (còn gọi là Đan-điền thực hoặc Đan-điền Tinh) lấy huyệt Khí hải làm trung tâm, chính là cửa vào của Đan-điền.
– Ngọc-chẩm quan còn gọi là Sinh tử huyền quan, bộ vị lấy huyệt Ngọc-chẩm làm trung tâm.
– Giáp tích quan lấy Mệnh-môn làm trung tâm, và xung quanh bao gồm 16 huyệt khác.
– Vĩ lư quan lấy huyệt Trường-cường làm trung tâm.
Chân khí phát sinh tại Đan-điền, vận hành theo kinh mạch đi vào kích thích ngũ tạng tạo ra ngũ khí (Tâm khí, Can khí, Tỳ khí, Phế khí, Thận khí). Ngũ khí vận hành trong kinh mạch đưa năng lượng đến kích thích hoạt động của lục phủ, ngũ hệ, ngũ khiếu.
– Tâm khí hoạt động ở Tiểu tràng, hệ huyết mạch, khai khiếu ra lưỡi. Tâm bào khí hoạt động ở Tam tiêu; hệ thân nhiệt và hệ miễn dịch; khai khiếu ra răng lợi, hầu họng.
– Can khí hoạt động ở đởm, hệ cân, khai khiếu ra mắt.
– Tỳ khí hoạt động ở dạ dày, hệ cơ nhục, khai khiếu ra xoang mũi.
– Phế khí hoạt động ở đại tràng, hệ hô hấp, khai khiếu ra da lông.
– Thận khí hoạt động ở bàng quang, hệ xương khớp, khai khiếu ra tai.
Ngũ khí vận hành trong cơ thể theo các chu trình sinh học cơ bản của sự sống.